Breaking News
Loading...
Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Info Post
8. "Hai mặt" của vấn đề:
Trái hẳn với hai tuần lễ trước, vài tuần nay "cuti" liên tục 'dội' YIM và mail box của tôi với hàng loạt câu hỏi. Phần lớn là những câu hỏi thuộc dạng 'what'. Tôi cố gắn trả lời hầu hết các thắc mắc của "cuti" mặc dù vấn đề thời gian của tôi rất giới hạn. Có những e-mail hồi âm của tôi chỉ vỏn vẹn có một câu: cái này thuộc dạng 'what', em thử tìm hiểu xem. "cuti" tỏ vẻ khá bực dọc với những e-mail này của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn... phớt lờ và duy trì giới hạn những câu trả lời nhằm mục đích 'đẩy' "cuti" vào chỗ thật sự làm quen và hình thành kỹ năng tìm kiếm, tổng hợp và thu thập thông tin. Có lần tôi nhận một thông điệp của "cuti" trên YIM như thế này:

"Anh già ui, hình như càng học em thấy em càng ngu hay sao đó. Hu hu hu :(. Cứ mỗi điểm cần tìm hiểu lại nảy ra hàng sa số những điểm xung quanh. Em đọc sách muốn khùng luôn nhưng càng đào sâu, càng thấy mình ngu si đi. Hay là em bị 'tẩu hoả' thật sự rồi?"

Tôi thầm nghĩ, hiện tượng "cuti" đang đối chọi có lẽ do cu cậu cố dồn ép quá mà ra. Tôi gởi "cuti" một offline message:
"cuti ơi, trưa Chủ Nhật tuần này anh rảnh đó. Có muốn 'giải bày' thì 'bay' vô YIM hả?"

Hai ngày sau, tôi nhận được một e-mail từ "cuti" như sau:
"Anh già ơi, mấy ngày vừa qua em chả thèm động đến máy. Em xách xe đi chơi vòng vòng cho bớt căng thẳng. Chiều nay em nhớ đến việc anh yêu cầu lần trước là hình thành một 'bản tổng kết' những gì anh em mình thảo luận cho đến giai đoạn này. Tự nhiên trong quá trình hình thành 'bản tổng kết' em thấy rất nhiều sự việc trở nên rõ ràng. Đây, 'bảng tổng kết' em có thể rút tỉa được:

1. 'hack' là hành động điều chỉnh máy tính ở nhiều tầng khác nhau nhằm thay đổi thái độ làm việc của nó.
2. muốn 'hack' phải hiểu rõ mục tiêu mình sắp sửa 'hack' là gì.
3. 'hacker' là một 'user' rất thấu đáo môi trường làm việc của mình. 'hacker' không những nắm vững 'nút' bấm (hoặc lệnh) để làm gì mà còn biết rõ những gì xảy ra khi 'nút' được bấm (hoặc lệnh được chạy) và có thể tạo ra 'nút' để bấm (hoặc lệnh để chạy) để đáp ứng đòi hỏi cụ thể.
4. mọi vấn đề trong thế giới 'hack' đều có giềng mối của chúng. Nắm được những 'giềng mối' này mới có thể làm thay đổi được thái độ làm việc của hệ thống.
5. đọc đi đôi với 'hành'. Trước khi biết được 'why' phải biết được 'what'.
6. để có thể nắm được 'what' cần phải có kiên nhẫn và có hệ thống. Để có thể nắm được 'why' cần phải có khả năng phân tích và tổng hợp những điểm cốt lõi.

Anh xem thử những điểm em đưa ra còn thiếu sót gì không? Chủ Nhật này em sẽ online đợi anh đó nha.

Chúc anh một tuần làm việc vui vẻ.
cuti."

Nhận được mail của "cuti", tôi đọc phần tổng kết của cu cậu và thấy rằng "cuti" đã tổng kết khá đầy đủ các điểm cốt lõi mà bọn tôi đã trao đổi những lần trước đây. Đây là việc đáng mừng. Tuy nhiên, vận dụng thế nào vẫn còn là một con đường dài dằng dặc và đầy chông gai. Tôi hồi âm "cuti" bằng một e-mail ngắn gọn như sau:
"cuti thân mến, sáu điểm em đưa ra thật tuyệt. Tuy nhiên, anh nghĩ em vẫn còn sót một điểm cuối, điểm thứ bảy. Em thử nghĩ xem điểm này là điểm gì?

Hẹn gặp lại chiều Chủ Nhật khoảng 3 giờ.
Thân."

Chiều Chủ Nhật, đúng 3 giờ chiều tôi logon YIM và "cuti" đã ngồi chễm chệ chờ. Tôi gởi cho "cuti" một thông điệp để báo cho cu cậu là tôi đã online (vì tôi vẫn ở tình trạng invisible). "cuti" hồi đáp gần như ngay lập tức kèm theo là một lời mời tham gia một conference:
"Chào anh, mình mở một cái conference được hông anh?"

Tôi khá thắc mắc, "việc gì phải conference nhỉ? Có lẽ có ai đó muốn tham gia chat chăng?". Tuy vậy tôi vẫn tiếp nhận lời mời. Không ngoài dự đoán, khi tham gia conference này, tôi thấy có thêm hai nhân vật mới với nick name khá.... kiếm hiệp. Một người mang tên là 'docco' (độc cô) và một người mang tên là 'haothu' (hảo thủ). Tôi chào mọi người:
"Chào cuti, chào docco và haothu."

"cuti" nhanh nhảu:
"Dạ, đây là hai đứa bạn học chung với em, bọn em chơi thân với nhau lắm. Sau khi em đưa cho bọn nó xem bản sao cuộc nói chuyện của anh em mình, bọn nó khoái lắm nhưng giữa bọn em nổ ra một trận tranh cãi khá gay gắt là: bảo mật trước hay 'hack' trước?. Bọn nó cho rằng muốn bảo mật cho tốt thì phải biết hack trước. Còn em thì do bị 'tiêm nhiễm' anh nên cho rằng muốn hack giỏi thì phải biết bảo mật, biết bảo mật rồi thì mới biết hack. Bây giờ em muốn anh đứng ra phân giải dùm bọn em. Hy vọng anh không phiền vì em đã mời thêm hai ông tướng này vào nói chuyện mà không báo trước cho anh biết."

"docco" và "haothu" chào tôi sau khi "cuti" giới thiệu và giải bày sự thể. Tôi vui vẻ đáp:
"Không sao đâu em, có nhiều người nói chuyện thì càng vui chớ sao đâu? Mấy anh em mình nói chuyện một cách thoải mái, đừng cứng nhắc quá mà mất vui. docco', 'haothu' cũng học chung lớp với 'cuti' hả?"

"haothu" đáp:
"Dạ, em học cùng trường với 'cuti' đó anh. Em cũng biết anh lâu rồi nhưng em ngại, không dám liên lạc trực tiếp với anh. Kỳ này bọn em cãi nhau rôm rả, âu cũng là dịp tốt để em làm quen với anh."

"docco" thêm vào:
"Hì hì, chỉ có thằng khỉ 'cuti' này mới bạo gan add tên anh vào YIM của nó chớ em thì hông dám. Lỡ anh 'đì nai' thì quê chết. 'cuti' nói là anh dễ tính, vui vẻ lắm, bây giờ em mới thấy."

Tôi cười đáp:
"Hì hì, em mà thấy cái danh sách người trên YIM của anh thì em không té xỉu là dở, mặc dù anh rất ít vào YIM nhưng có nhiều người cứ 'add' và anh cứ 'accept'. Riết hồi anh chẳng còn biết ai là ai nữa. Chắc bữa nào phải dọn dẹp một lần."

"cuti" lên tiếng:
"Tụi mày thấy chưa? tao đã nói là ổng dễ tính, vui vẻ mà. Bọn em xưng mày tao búa xua, anh già 'dễ tính' chắc không phiền hả?"

Tôi đáp:
"Ừa, cứ thoải mái đi em. Còn chuyện bọn em cãi nhau như "cuti" nói hồi nãy, bọn em đã cãi những gì, lược sơ qua dùm anh tí coi? :)"

"docco" nhanh nhảu đáp:
"Dạ, em với thằng Khoa, ý quên, thằng 'haothu' có cùng quan điểm là muốn bảo mật cho giỏi thì phải biết hack trước. Em thấy có rất nhiều chuyên gia bảo mật nói một câu có ý đại khái là: muốn bảo mật tốt thì phải suy nghĩ như một hacker. Nghiệm tới, nghiệm lui em thấy quả là đúng nhưng thằng khỉ Hưng, ý quên, thằng 'cuti' thì khăng khăng cho rằng phải có kiến thức từ căn bản lên đến nâng cao, phải nắm rõ hệ thống mình cần bảo vệ thì mới kiện toàn chuyện bảo mật, từ đó mới nắm được 'hack' là gì. Anh nghĩ sao?"

"cuti" xen ngay vào:
"Thằng khỉ kia, ai biểu mày khai tên thiệt ra hết vậy trời? Hì hì, anh già đừng trách nha, trước giờ nói chuyện với anh, em chưa bao giờ tiết lộ tên thiệt của em, thằng khỉ Duy này khai hết. Chuyện bọn em tranh cãi chẳng đi tới đâu cả. Em tin rằng muốn 'hack' thì phải giỏi bảo mật trước. Vậy thôi."

"haothu" chêm vào:
"Em cũng đồng quan điểm với thằng Duy luôn đó anh."

Tôi cười, và đáp:
"Từ từ cái đã. Để anh hỏi cu Hưng một câu để đúc kết phần anh và nó trao đổi mấy lần trước đây đã nha? Vậy anh gọi 'cuti' là Hưng, 'haothu' là Khoa và 'docco' là Duy được không?"

"cuti" đáp lời ngay:
"À, ý anh muốn hỏi em điểm thứ bảy là gì đó phải không anh? Thật tình em đã đọc kỹ lại mấy đoạn anh em mình trao đổi nhưng em tìm không ra điểm nào có thể là điểm thứ bảy. Còn chuyện gọi bọn em bằng tên nào cũng được hết anh. Bọn em gọi nhau bằng tên thật quen rồi nên vào chat vẫn quen thói gọi tên thật."

Tôi đáp:
"Vậy tốt, thống nhất cách gọi như vậy đi. Còn điểm thứ bảy mà em tìm không ra là "4 đê" đó em: đều đặn và điều độ. Đây là điểm cực kỳ quan trọng bởi vì 'ăn' không giờ giấc, không điều độ thì thế nào cũng bội thực :)."

"cuti" liếng thoắng:
"Ái chà, đây là điểm thứ bảy sao? Em không hề nghĩ đến nó, đừng nói chi là thấy nó quan trọng ngang hàng với những điểm kia. Em thấy hễ mình hứng lên thì ngồi táy máy bao nhiêu tiếng cũng được nhưng không hứng thì vô phương thôi anh."

Tôi vẫn kiên nhẫn trả lời:
"Không đâu em. Muốn tìm tòi lâu dài và có kết quả thì cần phải có kế hoạch hẳn hòi. Không thể dựa trên cái 'hứng' được. Nếu em may mắn, ngày nào cũng 'hứng' thì em có thể gặt hái vài điều. Lỡ may cả tháng em... mất 'hứng' thì coi như đi tong tháng ấy sao? Sự điều độ tạo cho não bộ của em một thứ 'phản xạ có điều kiện'. Đến giờ đó trong ngày, nó sẵn sàng làm việc và lúc ấy mới mang lại kết quả tốt được. Có thể lúc đầu khi chưa quen, em chưa thấy tác dụng đó. Tuy nhiên, sau một thời gian, em sẽ thấy sự đều đặn có tác dụng như thế nào."

"cuti" đáp:
"Quả thật em chưa hình dung được điểm này. Để em chiêm nghiệm thử xem. Bây giờ mấy anh em mình thử bàn chuyện 'hack trước hay bảo mật trước' nha anh?"

Tôi cười, đáp:
"Được thôi. Trước hết anh muốn nghe các lý do tại sao một bên tin rằng 'muốn bảo mật tốt phải biết hack trước' và bên đối lập lại cho rằng 'muốn hack giỏi thì phải biết bảo mật trước'. Để khỏi bị hiểu sai và khai triển sai, anh đề nghị xác định lại cụ thể vấn đề ở đây. Có lẽ 'hack' và 'bảo mật' ở đây đồng nghĩa với tấn côngphòng thủ phải không?"

"docco" reo lên:
"Đúng rồi đó anh. Lúc tụi em cãi với nhau toàn là dùng hai chữ 'hack' và 'security' nhưng em nghĩ là tấn côngphòng thủ là chính xác tinh thần rồi đó."

Tôi đáp:
"Hì hì, nếu quả thật là như vậy thì 'attack' là công và 'defend' là thủ. Anh nghĩ là dùng hai chữ 'hack' và 'security' ở đây sai tinh thần rồi. 'hack' không hẳn chỉ là tấn công mà còn có thể là hành động đóng góp cho việc phòng thủ. 'security' chỉ chung cho sự bảo mật và chưa hẳn nó loại trừ 'hack' ra khỏi các hành động, thao tác để đạt được tính 'bảo mật'. Mình nên dùng đúng 'term' và xác định rõ ý nghĩa của chúng để loại trừ những ngộ nhận có thể có thì mới bàn cãi sâu sát và chính xác được."

"haothu" phát biểu một cách hết sức thật thà:
"Ái chà, mới vào đầu câu chuyện đã thấy 'anh già' quá kinh rồi. Thôi đi Duy ơi, hai thằng mình thua non đi cho rồi. Tao biết ảnh bảo kê cho thằng Hưng là cái chắc. Mới vào đã thấy ảnh 'bẻ' sơ sơ thấy phát ớn."

Tôi xen vào ngay:
"Khoa, đừng nghĩ vậy em. Anh chẳng 'bảo kê' ai cả. Anh chỉ 'bảo kê' cái đúng mà thôi. Cứ xem như anh là trọng tài của cuộc đấu khẩu này thôi. Sở dĩ anh phải xác định rõ mỗi phía bởi vì mình cần phải tránh sự hiểu lầm ngay từ đầu không thì có bàn cãi cũng chẳng đi tới đâu hết. Hì hì, đối với anh không có chuyện ăn thua ở đây đó nha. Rồi hả? Ai muốn bắt đầu?"

"cuti" lăn xả vào trận chiến:
"Em muốn, em nói trước được hông anh?"

Tôi chưa kịp trả lời thì "docco" đã đáp lời:
"Chấp luôn. Thằng khỉ Hưng này lúc nào cũng tranh tiên hết. Nó thì lúc nào chả vậy!"

"cuti" cũng không phải tay vừa:
"Tao nói trước hay nói sau gì mày cũng thua một mức mày ạ ;-) bởi vì lẽ phải thì lúc nào cũng phải, không phân biệt trước sau."

Tôi xen vào:
"Thôi đi ông thần, ba hoa lắm vậy? Bắt đầu đi."

"cuti" có ý kiến như sau:
"Em không biết có phải em bị anh tiêm nhiễm hay không chớ em thấy rõ một điều: nếu tay quản lý máy chủ không nắm rõ server của mình có cái gì, điều hành nó ra làm sao, quản lý nó ra làm sao thì không cách gì có thể bảo mật được. Tương tự như vậy, tay tin tặc nào đó muốn tấn công một server thì phải hiểu server đó có những gì, làm việc ra sao. Nếu không, hắn không có cách gì mà tấn công hoặc thâm nhập được. Giả sử em thiết lập một cái server và em dấu hết 'footprint', tay tin tặc không thể xác định được server này chạy trên hệ điều hành nào cả. Cùng lắm là hắn dò ra được các dịch vụ đang chạy trên máy chủ này nhưng để thâm nhập là một chuyện cực khó."

Tôi cười, khơi mào cho "docco" phản bác:
"Em nghĩ sao Duy? Những điều cu Hưng nói có những điểm yếu nào?"

"docco" im lặng khá lâu. "haothu" bèn lên tiếng:
"Dạ, thằng Duy có cái tật đắn đo vòng vo tam quốc dữ lắm anh. Thôi để em trả lời trước cho. Em thấy là khi tay tin tặc ấy xác định được các dịch vụ đang chạy trên một máy chủ, hắn chỉ cần 'thử' hết những lỗi thường thấy và đã được công bố, trước sau gì cũng phá thủng hàng phòng thủ mà thôi. Hắn đâu cần biết dịch vụ đó chạy trên Linux hay AIX, hay Solaris hay Windows làm chi? Trên Internet có hàng 'tấn' công cụ, scripts... để thực hiện chuyện này. Hắn chỉ cần download hết về máy rồi ngồi đó mà thử từng cái một. Em tin rằng, đến lúc nào đó cũng đột nhập được thôi."

Tôi hỏi tiếp "docco":
"Em nghĩ sao Duy?"

Lúc này "docco" mới lên tiếng:
"Em thấy cả hai đứa Hưng và Khoa đều có những điểm không ổn. Hưng thì dừng lại ở bình diện kiến thức khả dĩ để hình thành một server. Khoa thì vận dụng phép... mò. Cả hai chưa đi đến ngọn ngành. Theo em thấy, nếu cả hai tay quản lý server và tay tin tặc có kiến thức và kinh nghiệm ngang nhau, chưa biết ai phòng thủ giỏi hay tấn công giỏi. Em không thể biện minh rõ ràng và rành mạch được nhưng vì lý do gì đó, em tin rằng tay tin tặc dễ đạt mục đích hơn vì hắn vốn thích táy máy, mày mò. Còn tay quản lý server thì thường làm theo tài liệu hướng dẫn."

"cuti" phản công ngay lập tức:
"Thôi đi 'pa'. Nếu 'pa' không biết server đó có cái gì, cấu trúc nó ra làm sao thì làm sao mà thâm nhập? Cho dù thâm nhập rồi mà không biết đường đi nước bước thì có nước đứng đó... ngẩn tò te thôi. Như cái vụ 'anh già' và tao đánh cuộc đây này, ảnh cho tao luôn cả account name và password để vào máy chủ luôn đó nhưng sau đó thì... bó tay vì không biết làm gì hết."

"haothu" reo lên thích thú:
"Á à, vậy mày chịu thua rồi hả Hưng? Mày đóng vai là tay phòng thủ mà lại ngẩn tò te thì thua non đi cho rồi con ơi."

Tôi xen ngay vào để 'nắn' câu chuyện khỏi lạc đề:
"Anh thấy Duy có những nhận xét rất cẩn thận và lý thú. Hưng và Khoa cũng có lý đứng trên quan điểm của mỗi phía. Tuy nhiên, điểm cần xác định thêm ở đây là trình độ của cả 'kẻ công' chọi với 'người thủ' là thế nào? Nếu 'kẻ công' là một tay cực kỳ kinh nghiệm và 'người thủ' là một tay mơ thì cán cân sẽ khác rõ. Ngược lại 'người thủ' là một tay từng trải và 'kẻ công' là một tay ứng dụng phương thức... mò thì kết quả cũng quá hiển nhiên. Có lẽ mình nên xác định lại một cách cụ thể trình độ và kinh nghiệm của hai tay này cho thoả đáng."

"cuti" nhảy ngay vào:
"Dạ, nếu vậy thì cứ cho là cả hai tay đều rành Linux như nhau, có 5 năm kinh nghiệm như nhau, có khả năng thiết lập máy chủ như nhau. Vậy thì 'phòng thủ' sẽ thủng hay, 'tấn công' sẽ bó tay?"

"docco" lên tiếng:
"Em thấy cách xác định hai tay này có trình độ ngang nhau để so sánh hai phía công / thủ là công bình nhất. Ở cỡ tụi em, nếu thằng Hưng mà thiết lập một server và thằng Khoa thì dùng mấy thứ đồ nghề khai thác có sẵn trên Internet thì em tin rằng thằng Hưng sẽ bị thủng vì nó chưa nắm được cách phòng thủ cho đúng mức. Trong khi đó, thằng Khoa không cần biết nhiều về Linux, nó chỉ thử hết cái này đến cái kia thì rốt cuộc cũng vào được máy chủ kia mà thôi."

"haothu" chêm vào:
"Hẳn nhiên rồi."

"cuti" cay cú:
"Mấy thằng này đầu xi măng hay sao mà nói mãi không lay nhỉ? Tao nói là cỡ thằng Khoa có cho account để vào cũng chống mắt mà nhìn chớ biết làm khỉ gì."

Tôi vội vàng xen vào:
"Hưng làm gì mà cay cú vậy em? :). Vậy thì mình phải thêm một yếu tố để so sánh: tay 'tấn công' phải thâm nhập và thay đổi cách làm việc của hệ thống, nếu vào được rồi mà ngồi đó... ngó thì không thể gọi là 'tấn công'. Còn tay 'phòng thủ' phải làm sao không cho chuyện thâm nhập xảy ra. Ngay cả có thâm nhập được rồi cũng 'ngồi đó mà ngó' thì phía phòng thủ thắng chớ gì?"

"cuti" nhanh nhảu:
"Hì hì, chắc anh hơi ngạc nhiên với cách nói chuyện của bọn em hả? Bọn em ăn nói bất kể lắm nhưng không có ý gì đâu anh. Chắc anh không khó chịu chớ? Còn yếu tố anh đưa ra thêm em thấy hoàn toàn có lý."

"docco" đáp lời:
"Nếu theo đúng các yếu tố anh đưa ra để có thể so sánh thì em nghĩ bọn em không đủ sức so sánh cho xác thực. Bởi vì thật tình mà nói, thâm nhập cũng như bảo vệ có quá nhiều trường hợp, có quá nhiều tầng. Nhìn hai mặt của vấn đề đều thấy sự phức tạp của chúng."

Một lần nữa, tôi thầm cảm mến tính chững chạc và cẩn thận của "docco". Rõ ràng những nhận định của "docco" đánh đổ trọn bộ những nhận xét và ý kiến mang nặng cảm tính. Tôi đáp:
"Em nhận xét tinh tế và cẩn thận lắm Duy. Nếu so sánh, mình cần phải nhìn cả hai mặt của vấn đề. Nếu thiên vị mặt nào thì mặt ấy sẽ nặng hơn và nhận xét trở nên thiếu chính xác. Như vậy làm sao mình đánh giá thật sự cần biết 'công' trước hay biết 'thủ' trước thì mới bảo mật tốt theo đúng tin thần của cuộc bàn cãi?"

"cuti" vẫn khăng khăng:
"Thủ trước. Em vẫn nghĩ là thủ trước."

"haothu" không nhường bước:
"Công trước. Em vẫn tin là công trước."

"docco" vẫn trung hoà:
"Em không xác định được. Anh có ý kiến gì không vậy?"

Tôi đáp:
"Hãy tóm lược lại 'bài toán' của chúng ta: có hai nhân vật, một kẻ chuyên 'công', một người chuyên 'thủ'. Cả hai có kinh nghiệm tương đương nhau, đều nắm rõ hệ thống như nhau nhưng đào luyện với tinh thần khác nhau. Kẻ 'công' thì nhìn vấn đề từ phía 'công', có nghĩa là hắn ta phải nắm rõ hệ thống để có thể tìm ra những điểm yếu cho việc thâm nhập và tấn công. Trong khi đó, người 'thủ' thì nhìn vấn đề từ hướng 'thủ', có nghĩa là hắn nắm rất rõ hệ thống mình thiết kế, biết chọn lọc những dịch vụ cần thiết, biết thắt chặt những điểm hở. Trong 'cuộc đấu' này, nếu kẻ 'công' có thể thâm nhập và thay đổi được hệ thống làm việc, hắn nắm phần thắng. Nếu kẻ thủ 'phòng thủ' quá chặt kiến cho kẻ công không thể thâm nhập và thay đổi hệ thống, 'kẻ thủ' thắng. Liệu anh tóm lược như vậy đủ chưa?"

Bộ ba Hưng, Khoa và Duy đều im lặng hồi lâu. "haothu" Khoa là người lên tiếng trước:
"Em thật tình không biết phải so sánh thế nào."

"cuti" Hưng tiếp theo:
"Em nghĩ rằng không thể so sánh được."

"docco" Duy đá lời sau chót:
"Theo em, nếu mình phân tích từng trường hợp thâm nhập và phòng thủ một cách tỉ mỉ thì may ra có thể đi đến một kết luận nào đó. Ngoài ra, em bắt đầu tin rằng không thể xác định được nên biết 'công' trước hay nên biết 'thủ' trước. Nói một cách khác, định đề muốn bảo mật cho tốt thì phải biết thâm nhập trước và ngược lại đều thiếu cơ sở."

Tôi gật gù trước nhận định chặt chẽ của "docco". Chỉ qua vài chục dòng chat, cá tính của mỗi người trong bộ ba này thể hiện thật rõ. "cuti" Hưng nhanh nhảu, thông minh. "haothu" Khoa nóng nảy, trực tính. "docco" Duy chậm chạp nhưng sâu sắc. Vậy mà ba cu cậu chơi rất thân với nhau. Có thể ba cá tính bổ khuyết cho nhau nên chúng thân với nhau chăng? Tôi khơi mào:
"Vậy, mấy anh em mình có nên 'khai phá' vài trường hợp để xem thử hai định đề muốn bảo mật cho tốt thì phải biết thâm nhập trước hoặc muốn thâm nhập cho giỏi thì phải biết bảo mật trước không?"

Cả ba cùng reo lên:
"Dạ."

"Chơi luôn."

"Chắc anh là người 'khai phá' chớ bọn em thì không đủ sức rồi :)"

Tôi ngẫm nghĩ rồi đáp:
"Thế này, anh nghĩ để tạo ra một buổi bàn thảo lý thú, mấy anh em mình nên chuẩn bị kỹ lưỡng trước các điểm cần bàn. Hãy hình thành một số trường hợp cụ thể. Đặt tên cho kẻ tấn công, người phòng thủ. Phải quy định xem nên thiết lập một máy chủ ra sao, có những dịch vụ nào. Sau đó mình sẽ phân tích từng 'thử nghiệm' cụ thể cả hai phía. Ví dụ như:
'kẻ công' = A
'người thủ' = B
server của B thiết lập = Z
dịch vụ của Z = z1, z2, z3...


Sau đó mới khai triển:

A xác định footprint Z như thế nào, B ngăn chặn việc này ra làm sao.
A dò tìm z1, z2, z3 như thế nào, B kiện toàn các dịch vụ này ra làm sao.
A exploit z1, z2, z3 như thế nào, B thắt chặt các dịch vụ này ra làm sao...


Mấy anh em mình chat đã khá lâu, anh phải đi. Mình có một tuần để suy nghĩ xem: nếu mình là A thì mình sẽ thăm dò ra sao? thử nghiệm những gì và hành động như thế nào? Nếu mình là B thì mình thiết lập những gì, thắt chặt những gì và đối phó ra sao khi A thâm nhập.

Thấy được không?"

"cuti" reo lên trước:
"Ái chà, được như vậy thì hơi bị... hay. Vậy em sẽ chọn vị trí A hay B?"

"haothu" cũng không kém hào hứng:
"Ui chao, phân tích những thứ này đến đầu, đến đũa thì còn gì bằng? Em chọn mình là A được không anh?"

Như thường lệ, "docco" trả lời sau cùng:
"Em thấy ý kiến này tuyệt diệu. Nó tạo điều kiện cho mình tự đặt mình ở hai phía và tìm giải pháp thích ứng. Sao bọn em không chọn cả A và B để tự lý giải anh nhỉ?"

Tôi đã không sai lầm khi nhận định rằng "docco" Duy là một cậu bé hết sức điềm đạm và cẩn thận. Tôi đáp:
"Hoan hô Duy, em đề nghị rất hay. Khi đưa ra các trường hợp ở trên, ý anh là mọi người đều nên lý giải hai mặt của vấn đề. Có như thế thì mình mới hình thành một cái nhìn toàn diện, không thì bị rơi vào tình trạng thiên vị và bởi thế, không thể khai phá đến nơi, đến chốn."

"cuti" phụng phịu"
"Trời ơi, một tuần làm sao mà đủ thời gian để tìm hiểu hết những chuyện cần tìm hiểu anh?"

Tôi đáp:
"Hì hì, bộ em nghĩ trong một tuần bọn mình nắm được cặn kẽ vấn đề hay sao em? Anh không nghĩ thế đâu. Một tuần để bọn em tự hình dung những điểm tổng thể. Khai triển và 'đào xới' thì không biết chừng nào mới xong. Em chỉ thử hình dung xem một máy chủ thông thường cần có những gì? và một máy chủ như thế nếu 'bị' tấn công thì tấn công vào đâu? Như thế đã là nhiều. Sau đó đám tụi mình mới bàn sâu từng trường hợp. Vậy hả?"

"cuti" lẩm nhẩm:
"Vậy là sắp thêm 'những đêm không ngủ'."

"haothu" phấn khích:
"Ái chà, trúng 'mánh' rồi."

"docco" điềm đạm:
"Quả là một điều kiện để học hỏi và nghiên cứu một cách tuyệt vời!"

Tôi kết thúc:
"Rồi nha, Chủ Nhật tuần sau, cũng vào giờ này. 'cuti' nên nhớ đến '4 đê' nha em? Chào Khoa, chào Duy."

và tôi logoff.
19/7/2005
<còn tiếp>
Comments
0 Comments
Facebook Comments by Ho Duc Tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét